Bệnh viên Đa Khoa VẠN HẠNH – Tế bào gốc và bệnh loét chân tiểu đường (15/01/2014)

Tế bào gốc và bệnh loét chân tiểu đường (25-01-2013)
Ths. Bs. Lê Thị Bích Phượng – Khoa Nội – Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh tp.Hồ Chí Minh.

Việc đưa các tế bào gốc vào vết loét tạo ra một nguồn cung ứng phong phú trong việc hình thành các tế bào mới thay thế số tế bào bị hư hại hoặc đã chết tại vết loét (đây là chapeau).

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) thường được gọi là tiểu đường. Bệnh tàn phá cơ thể rất thầm lặng, lâu dài và gây ra nhiều biến chứng. Trong các biến chứng lâu dài thì biến dạng bàn chân, loét bàn chân, hoại tử ngón chân… là biến chứng thường gặp và rất khó lành. Một số lớn trường hợp phải phẫu thuật cắt bỏ một phần chân, gây nhiều đau đớn về thể chất và tinh thần. Trong nhóm phẫu thuật cắt cụt chân không phải do chấn thương ở các nước phát triển, tổn thương chân do tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất. Loét bàn chân ở người bệnh ĐTĐ là hậu quả của nhiều yếu tố phối hợp. Bệnh làm hẹp các mạch máu ở bàn chân, gây cản trở dòng máu đến nuôi chân, lưu thông máu bị trì trệ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng.
Bệnh ĐTĐ làm thoái hóa các dây thần kinh ở chân, giảm hoặc mất cảm giác tại chỗ. Do đó, người bệnh sẽ không cảm thấy đau khi có vết cắt hay vết xước ở bàn chân cho đến khi chúng trở nên nhiễm trùng, loét và hoại tử. Loét chân là một trong các nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh ĐTĐ phải nhập viện.
Đại đa số các tổn thương bàn chân dẫn đến cắt cụt chân đều do ổ loét. Trên toàn thế giới thì cứ 30 giây lại có một người bệnh ĐTĐ bị cắt cụt chân dẫn tới tàn tật. Tuy nhiên, nếu loét bàn chân được phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa được 49% đến 85% các trường hợp bị cắt cụt.

Chữa bệnh như thế nào ?

Hiện nay, các bệnh viện ở nước ta đang áp dụng rất nhiều phương pháp chữa bệnh nhằm bảo tồn và giảm tỷ lệ cắt cụt chân của người bệnh. Các phương pháp này gồm:
• Nâng cao chân để tránh tỳ đè lên vết loét.
• Chăm sóc y tế vết thương thật kỹ.
• Dùng thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng.
• Giữ ổn định lượng đường trong máu bằng cách chế độ ăn kiêng hợp lý và dùng thuốc điều trị tiểu đường.
• Oxy cao áp.
• Thuốc giúp tăng trưởng, giãn mạch máu.
Một số phẫu thuật hỗ trợ bao gồm:
• Cắt bỏ, làm sạch tổ chức hoại tử quanh vết loét.
• Phẫu thuật bắc cầu mạch máu, đưa dòng máu vòng qua chỗ tắc để tới nuôi vùng chân bị bệnh.
• Ghép da giúp mau lành vết loét lớn.

Cuối cùng, khi các phương pháp trên đều không hiệu quả sẽ phải làm phẫu thuật cắt cụt khi tình trạng nhiễm trùng vết thương nặng lên, khi nhiễm trùng lan vào máu gọi là nhiễm trùng huyết, nguy cơ tử vong cao. Thực tế, tỷ lệ bệnh nhân có chỉ định tháo khớp hoặc cắt cụt chân còn khá cao.
Các tiến bộ trong chữa bệnh

Trong thập niên vừa qua, các nhà khoa học đã nỗ lực nghiên cứu nhằm tìm ra những kỹ thuật điều trị mới có tác động đến quá trình lành vết thương, hạn chế các biến chứng và giảm tỷ lệ cắt cụt chân của người bệnh tiểu đường. Phương pháp điều trị mới này có thể áp dụng độc lập hoặc phối hợp với các phương pháp điều trị đang áp dụng hiện nay.
Trong các phương pháp đó, Liệu pháp ghép tế bào gốc tự thân (tế bào gốc được lấy ra từ mỡ của người bệnh và cấy vào cho chính người bệnh đó) là phương pháp tỏ ra có nhiều ưu điểm. Việc đưa các tế bào gốc vào vết loét tạo ra một nguồn cung ứng phong phú trong việc hình thành các tế bào mới để thay thế số đã bị hư hại hoặc chết tại vết loét. Tế bào gốc giúp phát triển các mạch máu, tế bào trên nền vết thương giúp vết thương được lành nhanh, che phủ sớm, rút ngắn thời gian lành vết thương. Có thể cấy tế bào gốc đơn thuần hay hỗn hợp tế bào gốc và huyết tương giàu tiểu cầu (HTGTC).
Một liệu pháp an toàn, hiệu quả

Huyết tương giàu tiểu cầu đã được chứng minh là thật sự hiệu quả khi đưa vào điều trị trong các lĩnh vực : xương khớp, nha khoa, thẩm mỹ, tim mạch và đặc biệt là điều trị các vết thương mạn tính. Huyết tương giàu tiểu cầu là sản phẩm sau một số các thao tác lấy bỏ các tế bào máu. Việc tách chiết tiểu cầu nhằm thu được các yếu tố tăng trưởng với nồng độ cao gấp 5 đến 7 lần bình thường và cấy “nguồn dinh dưỡng” này vào vị trí vết loét. Các yếu tố này thúc đẩy tăng trưởng mạch máu, biểu bì, phân chia, tăng sinh…là các yếu tố quan trọng trong quá trình lành vết thương. Ngoài ra, các yếu tố này tăng cường hoạt động hệ thống miễn dịch của cơ thể để ngăn chặn nhiễm trùng.

Hỗn hợp tế bào gốc và huyết tương giàu tiểu cầu là phương pháp mới hơn đã được ứng dụng tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Hỗn hợp này kéo dài tác động của các yếu tố tăng trưởng trên nền vết loét. Đối với các vết loét lớn thì việc tách chiết và bơm tế bào gốc vào vết loét phải được thực hiện nhiều lần .

Hiện nay, tế bào gốc được phát hiện có trong mỡ của người. Bằng những phương pháp tách chiết hiện đại, các nhà y học đã thu được tế bào gốc từ mỡ trong thời gian khoảng 1 đến 2 giờ. Sau đó, các tế bào này được cấy ghép trở lại cho chính người bệnh đó (gọi là ghép tự thân). Như vậy, phương pháp này tránh được phản ứng miễn dịch thải ghép của cơ thể đối với mô ghép và sự lây nhiễm mầm bệnh từ người này sang người khác. Hiện nay, bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh đang tiến hành ứng dụng ghép tự thân tế bào gốc trong chữa trị một số bệnh nhân đái tháo đường có loét chân nặng và chúng tôi đã thu được những kết quả tốt. Chúng tôi cho rằng liệu pháp tế bào gốc sẽ đem lại lợi ích, an toàn, hiệu quả và nguồn hy vọng to lớn đối với người bệnh đái tháo đường.

Trên thế giới, tế bào gốc đã được định hình, phát triển thành các loại tế bào khác nhau trong cơ thể như: tế bào sừng, tế bào gan, tế bào sụn, tế bào của tụy, tế bào thần kinh,… với mục đích cấy ghép vào cơ thể người bệnh. Có rất nhiều phương pháp biệt hóa (giống như học nghề) tế bào gốc nhưng có thể chia thành 2 nhóm chính: biệt hóa ngoài cơ thể và biệt hóa trong cơ thể.

Trong cơ thể, khi tế bào gốc được tiêm vào cơ thể, chúng sẽ được hướng dẫn di chuyển vào vị trí tổn thương. Tại đây, những yếu tố từ tổn thương và các protein được sản xuất ra từ cơ quan bị thương sẽ giúp thay đổi tế bào gốc thành tế bào cần thay thế. Bên cạnh đó, các nhà khoa học sử dụng hóa chất, các tác nhân vật lý hoặc phương pháp chuyển gen giúp tế bào gốc biệt hóa theo ý muốn.

Trước đây, việc thu nhận tế bào gốc ở người trưởng thành thường được lấy từ tủy xương. Tuy nhiên, việc thu nhận tế bào gốc từ tủy xương là một thủ thuật khó khăn, nguy hiểm hơn đối với bệnh nhân và số lượng tế bào gốc thu được cũng còn hạn chế. Do đó, việc phát hiện tế bào gốc từ mỡ đã đem lại nhiều thuận lợi cho các bác sĩ thực hành cũng như bệnh nhân vì mỡ là một tổ chức có thể tự phục hồi, việc tách chiết mỡ tương đối đơn giản và số lượng tế bào gốc thu được dồi dào hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *