Ca ghép tế bào gốc từ cuống rốn đầu tiên ở Việt Nam

Chiều 2/4, Viện Huyết học – Truyền máu trung ương công bố ca ghép tế bào gốc đầu tiên từ mẫu dây rốn cộng đồng cho bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh, 28 tuổi ở Quảng Bình. Linh được chẩn đoán bị lơxêmi cấp dòng tủy từ tháng 9/2014, thuộc nhóm tiên lượng xấu nên yêu cầu điều trị ghép tế bào gốc là phương án tối ưu để cứu sống bệnh nhân.

Bệnh nhân Linh phát hiện bệnh này từ tháng 9/2014, sau đó được điều trị 2 đợt hóa trị tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương và đẩy lui bệnh hoàn toàn. Nhưng, do bệnh nhân Linh thuộc nhóm tiên lượng xấu, nên yêu cầu điều trị ghép tế bào gốc là phương án tối ưu nhất hiện nay để cứu sống bệnh nhân. Sau khi xem xét các tố chất thiết yếu, các bác sỹ của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã quyết định điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc cho bệnh nhân và nguồn tế bào gốc sẽ được trích ra từ người em trai ruột của chị Linh.

Nhưng khi tiến hành xét nghiệm tủy từ người em ruột thì lại không phù hợp, nên không thể cho bệnh nhân tế bào gốc được. Vì vậy, các bác sỹ của Viện đã phải tìm trong 700 mẫu máu dây rốn đang lưu trữ tại viện và tìm ra được một mẫu phù hợp HLA với bệnh nhân và đủ số lượng tế bào gốc để tiến hành ca ghép.

Sau hơn 3 tháng tích cực điều trị, bệnh nhân không còn phải truyền máu và sức khỏe ổn định. Bệnh nhân có thể đi lại, các chỉ số máu gần như hoạt động bình thường, tế bào gốc máu cuống rốn mọc ổn định và bệnh nhân sẽ được xuất viện. Chi phí ca ghép khoảng 600 triệu đồng, trong đó 50% sẽ do bảo hiểm y tế chi trả.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Huyết học – Truyền máu trung ương cho biết, từ lâu Việt Nam đã thực hiện được ghép tế bào điều trị bệnh về máu. Viện đã tiến hành ghép 150 ca, gồm cả tự thân và đồng loại từ người cho cùng huyết thống. Cả nước cũng đã ghép tế bào gốc từ máu dây rốn được 12 ca nhưng là ghép cho trẻ. Đây là lần đầu tiên ghép điều trị cho bệnh nhân ung thư máu ở người lớn và lấy tế bào gốc từ mẫu dây rốn được lưu trữ trong ngân hàng tế bào gốc cộng đồng.

Viện đang làm ca ghép tế bào gốc từ mẫu máu dây rốn cộng đồng thứ hai. Dự kiến Viện sẽ xây dựng ngân hàng tế bào gốc cộng đồng với khoảng 3.000 mẫu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *